9.14.2012

Những bài học lớn dưới mái trường Nha Trang - Võ Tánh năm xưa


“Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, thì lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm của buổi tựu trường…”
     Đó là câu mở đầu của bài “Tôi đi học” do thầy Đặng Văn Tế dạy trong buổi học đầu tiên của lớp đệ thất năm 1951 của trường Trung học Nha Trang, lúc bấy giờ vẫn còn đặt cơ sở ở Trường Nam tiểu học Nha Trang, nay là Trường PTTH Nguyễn Văn Trỗi.


     Mỗi người trong chúng tôi ai mà chẳng có những kỷ niệm hoang mang về buổi tựu trường? Những giòng văn của nhà thơ Thanh Tịnh êm như những lời ru, làm cho chúng tôi không ngớt bâng khuâng, thì tuần sau đến giờ thầy, chúng tôi phải bàng hoàng ngơ ngác vì bị thầy la một trận nên thân bởi lý do chẳng có ai soạn bài văn trên cả. Số là ở bậc tiểu học chúng tôi quen nghe thầy giảng hơn là tự chuẩn bị bài trước. Cho nên lần này, dù thầy có hướng dẫn cách soạn bài, chúng tôi cũng chẳng quan tâm.
     Thầy chỉ cho thấy rằng chúng tôi rất may mắn mới đỗ vào lớp đệ thất- lúc bấy giờ tuyển sinh rất gay gắt, nên phải cố gắng học hành cho xứng đáng. Thầy dạy cách sử dụng thời gian ở nhà và nhấn mạnh cách phân bố thời gian sao cho phù hợp với tầm quan trọng của từng môn học. Thầy lấy ví dụ như con thầy, chị Minh Nguyệt (học cùng lớp với chúng tôi) cả ngày cứ lo vẽ! Thật vậy, lúc bấy giờ hầu hết chúng tôi đều say mê môn hội họa của Thầy Võ Thành Điểm, đi mua sắm những hộp màu nước tuyệt đẹp với bút lông và giấy vẽ đắt tiền để ngày đêm làm “họa sỹ” như thầy! Tất nhiên là những môn học khác bị xao lãng.
     Phương pháp của thầy Tế là hướng dẫn cho học sinh biết tự tìm tòi, khám phá trước rồi thầy mới giảng lại đầy đủ ở lần hai. Và chính lần này thầy mới cho học sinh thấy hết tất cả cái hay, cái đẹp của bài văn như thể bài văn được thầy sáng tạo lần thứ hai một cách tuyệt vời.
     Tôi không thể nào quên được bài thơ “Hai đứa trẻ” của Tố Hữu và chuyện ngụ ngôn “”Cừu và Sói” của La Fontain đã được thầy phân tích một cách sâu sắc để thấy cái bất công của xã hội hiện tại mà góp phần chiến đấu để xây dựng một xã hội ngày mai công bằng. Lúc đó thầy dạy văn đối với tôi là thần tượng và trở thành thầy giáo dạy văn là một trong những ước mơ của tôi.
     Ngoài việc phụ trách giảng dạy môn hội họa, Thầy Võ Thành Điểm còn là tổng giám thị của toàn trường. Trước tình hình sa sút lỷ luật ở nhiều trường ngày nay, tôi mới thấy vai trò của Thầy tổng giám thị ngày ấy to lớn là dường nào! Học trò thời nào cũng nghịch ngợm cả. “Nhất quỉ nhì ma, thứ ba học trò” mà! Người làm công tác duy trì kỷ luật nhà trường thật khó tránh khỏi căng thẳng và đụng chạm. Thế nhưng, với tính bộc trực của người gốc Nam bộ cộng với tài dí dỏm mà thầy làm tròn nhiệm vụ và vẫn được học sinh yêu mếm.
     Học sinh ra vào sân trường đều phải xuống xe dắt bộ. Lệ này được chấp hành nghiêm chỉnh. Chỉ có một người cả gan phá nó là anh Võ Văn T của lớp tôi. Một hôm anh cho xe phóng một mạch vào sân trường.
           - “Thầy ơi, xin thầy tha cho, chỉ tại cái thắng của xe con nó không ăn!”
    Anh T năn nỉ: sau một thoáng sững sờ, thầy quắc mắt:
           - “Biết vậy, sao lúc cách cổng trường một cây số, con không thắng trước đi?!”
     Về môn Vật lý và vạn vật, trong những ngày đầu của trường Nha Trang- Võ Tánh chắc các bạn không thể nào quên thầy dạy là thầy Bửu Cân. Tất nhiên nhiệm vụ của thầy là truyền đạt nội dung của bài học và đòi hỏi học sinh tiếp thu nội dung đó. Thế nhưng, đối với thầy, dạy cho học trò biết phương pháp đọc đó mới là điều quan trọng bậc nhất.
     L'enfant ne va pas à l'escole pour

     Apprendre mais apprendre à aperendre
    Đó là câu nói của một nhà giáo Pháp nào đó được thầy viết lên bảng, chữ to và đẹp, và giảng nghĩa là:
          - Trẻ con đến trường không phải để học mà là học cách học.
    Thật vậy, thầy không thích nghe học trò trả bài như vẹt, mà đánh giá học trò qua quyển vở trình bày bài học và nhất là qua các câu hỏi thông minh của học trò, mà thầy gọi là câu hỏi “khôn”, về bài học của mình. Học hỏi có nghĩa là học thì phải hỏi, biết hỏi là biết học, có học, và thế là đã thuộc bài rồi. Anh Ngô Đức Uyên, nổi tiếng về những câu hỏi khôn, được thầy phong là “thánh sống”. Một “thánh sống” khác mà thầy không tiếc lời khen ngợi như một tấm gương sáng cho học sinh cả trường noi theo là là anh Trần Điền. Anh Trần Điền chỉ mới học xong lớp đệ ngũ trường Võ Tánh (lớp 8 ngày nay) mà đã thi đậu bằng Brevet Élementaire của Pháp.
     Thực tình, môn của thầy tôi không khá lắm, nhưng phương pháp của thầy tôi rất tâm đắc, nó giúp tôi học tất cả những môn còn lại và dạy tốt sau này.
     Về môn chính của tôi là tiếng Anh, phải nói là tôi rất may mắn được một người thầy như thầy Lê Văn Đào dãy vỡ lòng. Hiếm có một ông thầy dãy kỹ lưỡng, tỉ mỉ và chính xác đến mức hoàn hảo như thầy. Chưa đủ, thầy còn đòi hỏi học trò cũng phải học nghiêm túc như vậy. Để cho sự đòi hỏi này có hiệu lực thầy sử dụng quyền cấm túc “consigne” đối với học trò chểnh mảng việc học.
     Những trò bị phạt sáng chủ nhật phải đến trường học bài hay làm bài mà thầy giáo đề ra dưới sự trông coi của Tổng giám thị. Thật ra bị phạt như thế này cũng không có gì căng thẳng lắm. Hơn thế nữa, gần thầy Tổng giám thị vui tính không khí cũng thoải mái. Thế nhưng không ai muốn tái phạm để giam chân vào những ngày chủ nhật đẹp trời như thế. Nhờ vậy tôi ra sức học tập cho đến bài Christmas trong L'Anglais Vivant, Classe de sixième, được thầy khen ngợi nồng nhiệt là tiến bộ rất nhiều. Từ đó tôi nhận thấy sức mạnh của “KỶ LUẬT” cộng với sức mạnh của lời khen của thầy đã cho tôi một sức bay bổng diệu kỳ.
     Như vậy, môn vỡ lòng rất quan trọng, cũng như những thầy dạy ở năm đầu gây cho tôi những ấn tượng sâu sắc nhất. Những ấn tượng đó có ảnh hưởng lâu dài đến cuộc đời đi học về sau của tôi cũng như cuộc đời đi dạy cho đến bây giờ, cho nên đối với tôi đó là những bài học lớn mà nhà trường, các thầy và các bạn đã cung cấp cho tôi một cách trực tiếp hay gián tiếp.
     Tuy tôi học dưới mái trường Trung học Nha Trang- Võ Tánh chỉ bốn năm thôi (1951-1955) nhưng hồi ức về các thầy và các bạn không chỉ có thế. Tôi còn nhớ rất nhiều nhưng tiếc rằng khả năng diễn đạt chẳng bao nhiêu. Chỉ gợi lại vài nét để các bạn cùng chia xẻ. Đó là thời mà chúng ta có những lý tưởng đẹp nhất, ôm ấp những giấc mơ đẹp nhất.
     Dù sau này, giấc mơ, nó có thành hiện thực hay không, thì thời gian dưới mái trường vẫn là thời gian đẹp nhất. Đó là một thời để nhớ.
 
                                                                   Nha Trang, ngày 20 tháng 11 năm 1994
                                                               NGÔ ĐÌNH CHIẾU - Cựu Học sinh Võ Tánh

No comments:

Post a Comment

Các bạn có thể chọn mục OpenID và nhập tên mình vào rồi bắt đầu bình luận